Quẻ SƠN PHONG CỔ

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ SƠN PHONG CỔ

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

:||::| Sơn Phong Cổ (蠱 gǔ)

Quẻ Sơn Phong Cổ, đồ hình :||::| còn gọi là quẻ Cổ (蠱 gu3), là quẻ thứ 18 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☴ (:|| 巽 xun4) Tốn hay Gió (風).

* Ngoại quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

Giải nghĩa: Sự dã. Sự biến. Có sự không yên trong lòng, làm ngờ vực, khua, đánh, mua chuốc lấy cái hại, đánh trống, làm cho sợ sệt, sửa lại cái lỗi trước đã làm. Âm hại tương liên chi tượng: điều hại cùng có liên hệ.

Vui theo thì tất có công việc làm, cho nên sau quẻ Tùy, tới quẻ Cổ. Cổ có hai nghĩa: đổ nát và công việc. Hễ đổ nát thì phải sửa sang lại, thế là có công việc.

Thoán từ:

蠱: 元亨, 利涉大川.先甲三日, 後甲三日.

Cổ: Nguyên hanh, lợi thiệp đại xuyên

Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật.

Dịch: Đổ nát mà làm lại mới thì rất tốt, vượt qua sông lớn thì lợi. Ba ngày trước ngày giáp (nghĩa là phải tìm nguyên nhân từ trước), ba ngày sau ngày giáp (phải nghĩ đến tương lai nên thể nào).

Giảng: Quẻ này trên là núi, dưới là gió, gió đụng núi, quật lại, đó là tượng loạn, không yên, tất phải có công việc.

Cũng có thể giảng như sau: tốn ở dưới là thuận, mà Cấn ở trên là ngưng chỉ; người dưới thì thuận mà người trên cứ ngồi im; hoặc người dưới một mực nhu, người trên một mực cương (Tốn thuộc âm, mà hào 1 cùng là âm, còn Cấn thuộc dương, mà hào cuối cùng thuộc dương ), để nén người dưới, như vậy mọi sự sẽ đổ nát, phải làm lại.

Đổ nát mà làm lại thì rất nên, rất tốt; phải xông pha nguy hiểm, nhưng rồi sẽ có lợi.

Tuy nhiên phải suy nghĩ, có kế hoạch trước sau. Ví dụ bắt tay vào việc là ngày giáp, thì phải nghĩ tới ba ngày trước ngày giáp, tức ngày tân [辛], tìm xem vì lẽ gì mà có sự đổ nát, và muốn đổi cũ sang mới (mới cũng là tân, nhưng chữ tân này [新], người Trung Hoa thường có cách mượn một chữ đồng âm để diễn một ý khác) thì phải làm sao. Rồi lại nghĩ đến ba ngày sau, tức ngày đinh [ 丁] , mà đinh ninh (chữ [丁 寧] này) phòng bị cho tương lai.

Làm lại mới mà được như vậy thì rất tốt.

Thoán truyện và Đại tượng truyện không giảng gì khác.

Hào từ:

1. 初六: 幹父之蠱, 有子, 考无咎, 厲, 終吉.

Sơ lục: Cán phụ chi cổ, hữu tử, khảo vô cữu , lệ, chung cát.

Dịch: Hào 1, âm: Sửa sang sự đổ nát của cha; nhờ con mà cha không lỗi; nhưng cũng có thể nguy đấy, phải biết răn sợ, sau mới tốt.

Quẻ Cổ này lấy việc trong nhà làm thí dụ, nên nói đến cha, con.

2. 九二: 幹母之蠱, 不可貞.

Cửu nhị: Cán mẫu chi cổ, bất khả trinh.

Dịch: Hào 2, dương : Sửa sang sự đổ nát của mẹ, không nên cố chấp (trinh)

Giảng: Hào này dương cương, đắc trung, trên ứng với hào 5 âm nhu, nên ví như con (2) với mẹ (5). Hào 2 có tài, sửa sang được, nhưng tính cương cường, có thể xung đột với 5, cho nên Hào từ khuyên đừng cố chấp mà phải mềm dẻo.

3. 九三: 幹父之蠱, 小有悔, 无大咎.

Cửu tam: Cán phụ chi cổ, tiểu hữu hối, vô đại cữu.

Dịch: Hào 3, dương: sửa sang sự đổ nát của cha, có chút hối hận những không có lỗi lớn.

Giảng: Hào này là dương lại ở vị dương, là quá cương, nóng nảy, không hợp đạo trung cho nên làm vài việc đáng ăn năn; nhưng làm nổi việc, đắc chính, nên không đến nỗi có lỗi lớn.

Ví như người con trung ngôn, trực gián mà giữ được đạo lý cho cha.

4. 六四: 裕父之蠱, 往見吝.

Lục tứ: Dụ phụ chi Cổ, vãng kiến lận.

Dịch: Hào 4, âm: (Vì dùng dằng mà chỉ) kéo dài sự đổ nát của cha, nếu cứ như vậy hoài thì sẽ hối tiếc.

Giảng: Hào âm, nhu lại ở vị âm, là người thiếu nghị lực, nhút nhát, không dám cương quyết sửa sự đổ nát của cha, để cho nó kéo dài hoài thì xấu cho cả gia đình mà phải hối hận.

5. 六五: 幹 父之蠱, 用譽.

Lục ngũ: Cán phụ chi cổ, dụng dự

Dịch: Hào 5, âm: sửa sự đổ nát cho cha, mà được tiếng khen.

Giảng: Âm nhu ở ngôi chí tôn, không đủ tài sáng nghiệp, nhưng nhờ có đức trung mà ở dưới ứng với hào 2, dương cương là người có tài, sửa sự đổ nát được, rốt cuộc thành công, cả hai được tiếng khen.

6. 上九: 不事王侯, 高尚 其事.

Thượng cửu: Bất sự vương hầu, cao thượng kỳ sự.

Dịch: Hào trên cùng, dương : Không xu phụ bậc vương hầu, mà nêu cao tư cách (đức của mình.)

Giảng: Hào này dương cương ở trên hào 5, như một vị hiền nhân quân tử cao khiết, ở ngoài mọi việc, không màng phú quí, không xu phụ vương hầu, giữ chí hướng của mình làm phép tắc trong thiên hạ.

***

Người Trung Hoa rất trọng đức hiếu, mà có hiếu trước hết là giữ được danh dự cho gia đình, làm vẻ vang cho tổ tiên, cho nên nếu cha mẹ làm điều gì trái đạo lý thì con có bổn phận can ngăn (cha có con như vậy là nhà có phúc), nếu còn nhu nhược quá, dùng dằng không dám can thì có lỗi lớn; nếu cương cường quá mà xung đột với cha mẹ thì có lỗi, nhưng nhẹ, tốt nhất là giữ đạo trung, mềm mỏng mà kiên trì, ngoài nhu mà trong cương.

Quẻ này kết một cách bất ngờ: hào trên cùng không nói gì về việc sửa sang sự đổ nát cả, mà chỉ khen bậc hiền nhân treo gương danh tiết cho thiên hạ soi.

Nên để ý: Cổ là đổ nát, rất xấu mà thoán từ khen là tốt, chỉ vì đổ nát thì phải làm lại, canh tân, mà canh tân là điều rất tốt. Không có gì suy cực mà không thịnh lên, tới lúc cùng mà không bắt đầu trở lại.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

18. 山 風 蠱 SƠN PHONG CỔ

Cổ Tự Quái 蠱  
Dĩ hỷ tùy nhân giả tất hữu sự. 以 喜 隨 人 者 必 有 事
Cố thụ chi dĩ Cổ. 故 受 之 以 蠱
Cổ giả sự dã. 蠱 者 事 也

Cổ Tự Quái

…Vui theo người, ắt có nhiều sự sinh,

Cho nên quẻ Cổ tiếp thành,

Cổ là công chuyện thi hành trước sau. 

Cổ là thối nát. Chữ Cổ gồm chữ Mãnh là đĩa, trên có 3 chữ Trùng là sâu, gợi lên ý nghĩa, thức ăn để lâu đã bị hư hại, dòi bọ.

-Cổ có nghĩa là lầm lạc, quẻ Cổ trên có quẻ Cấn là con trai nhỏ, dưới có quẻ Tốn là con gái lớn: con gái lớn dùng nữ sắc làm mê hoặc người con trai nhỏ.

-Cổ là đình đốn, hoại loạn. Quẻ Cổ, trên là Cấn là đình chỉ, đình đốn, dưới là Tốn= Nhu thuận. Trên ù lì, đình đốn, dưới nhắm mắt thuận theo, sẽ sinh ra hoại loạn

Hơn nữa, ở nơi quẻ Cổ, Âm Dương bất tương giao, tôn ti bất tương tiếp. Quẻ Cấn là Dương ở trên quẻ Đoài là Âm, nên Âm Dương bất giao; ở nơi quẻ Cấn và quẻ Đoài, hào Dương ở trên, hào Âm ở dưới, thế lại là Âm Dương bất giao, nên sinh cổ hoại.

Tự Quái nói vui theo người sẽ có chuyện. Mới hay, mỗi khi ta để cho người lôi kéo ta, mê hoặc ta mà không chịu suy nghĩ, không chịu tự lo, tự liệu cho mình, âu sẽ có lắm chuyện lôi thôi

I. Thoán.

Thoán Từ.

蠱:元 亨,利 涉 大 川。 先 甲 三 日,后 甲 三 日。

Cổ. Nguyên hanh. Lợi thiệp đại xuyên.

Tiên Giáp tam nhật. Hậu Giáp tam nhật. 

Dịch.

Cổ đổ nát, nay ta dựng lại,

Thế mới hay, mới lợi làm sao,

Qua sông, nào quản chi nào?

Ba ngày trước Giáp, lại sau ba ngày.

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰. 蠱,剛 上 而 柔 下,巽 而 止,蠱。 蠱,元 亨,而 天 下 治 也。利 涉 大 川,往 有 事 也。 先 甲 三 日,后 甲 三 日,終 則 有 始,天 行 也。

Cổ. Cương thượng nhi Nhu hạ. Tốn nhi chỉ. Cổ. Cổ nguyên hanh. Nhi thiên hạ trị dã. Lợi thiệp đại xuyên. Vãng hữu sự dã. Tiên Giáp tam nhật. Hậu Giáp tam nhật. Chung tắc hữu thủy. Thiên hành dã.

Dịch. Thoán rằng:

Cổ, cứng trên mà mềm ở dưới,

Dưới vâng theo, trên lại ù lì.

Cơ đồ đổ nát, còn chi.

Nay gây dựng lại, còn gì hay hơn.

Rồi lại thấy giang sơn bình trị,

Dẫu vượt sông, quyết chí ra tay,

Ra công sau trước ba ngày,

Trước lo, sau liệu cho hay, mới hào.

Đầu với cuối, việc nào chẳng có,

Rõ luật trời, đâu khó thành công.

Cổ cũng có nghĩa là gây dựng lại đổ nát, người xưa gọi thế là Trì cổ. Cho nên, khi gặp hoại loạn phải ra tay chấn chỉnh cơ đồ, phải sửa sang lại mọi chếch mác, dở dang, chấn hưng lại mọi câu chuyện đình đốn, như vậy sẽ đi đến hanh thông. Muốn ra tay sang sửa mối giường, phải biết lướt thắng gian truân, xông pha nguy hiểm. Hơn nữa, phải nghiên cứu hiện tình cho kỹ lưỡng, để tìm cho ra duyên do đổ nát. Đó là ý nghĩa câu Tiên Giáp tam nhật = phải biết nhìn về quá vãng (Ba ngày trước ngày Giáp, là ngày Tân, ý nói muốn canh tân, phải thấu triệt duyên do sự hủ bạị). Đàng khác phải tìm, phải hoạch định cho rõ ràng kế hoạch chấn hưng; lại phải đinh ninh, gắn bó, lo lường để tránh mọi sơ hở. Đó là ý nghĩa câu Hậu Giáp tam nhật = phải biết nhìn về tương lai để xếp đặt kế hoạch. (Ba ngày sau Giáp tức là ngày Đinh, ý nói phải đinh ninh, cẩn trọng). Hoàn cảnh đổ nát, nhưng nếu gặp người tài đức ra tay gây dựng lại cơ đồ, thì chẳng có gì mà phải lo, thế nào cũng đi tới hanh thông.

 II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰. 山 下 有 風,蠱﹔ 君 子 以 振 民 育 德。

Sơn hạ hữu phong. Cổ. Quân tử dĩ chấn dân dục đức.

Dịch.

Cổ là gió thổi ven non,

Hiền nhân cổ xúy, dân con hào hùng.

Gió thổi gặp núi, nên quẩn lại làm hại cây cối. Ở đời tính quẩn sẽ sinh đổ nát. Muốn chấn hưng cơ đồ, trước hết phải cổ súy nhân tâm, chấn hưng đạo đức. Nếu toàn dân đã thức tỉnh, đã trở nên hăng say, tha thiết, đã thực tâm muốn quật khởi xây dựng, thì làm việc gì mà chẳng nên công. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào mượn gia sự, mà nói đến sự gây dựng lại cơ đồ đã đổ nát. Khưu Kiến An cho rằng : sáu Hào đều nói đến gia sự. Hào thượng là cha, Hào ngũ là mẹ, bốn Hào dưới đều là con. Còn như lấy quốc sự mà nói, thì hào ngũ là quân vương, hào thượng là bất sự chi thần, bốn Hào dưới là dụng sự chi thần. 

1. Hào Sơ lục.

初 六. 幹 父 之 蠱,有 子,考 無 咎,厲 終 吉。 

象 曰: 幹 父 之 蠱,意 承 考 也。

Sơ Lục.

Cán phụ chi cổ. Hữu tử khảo. Vô cữu. Lệ. Chung cát.

Tượng viết.

Cán phụ chi cổ. Ý thừa khảo dã.

Dịch.

Ra tay dựng lại cơ đồ,

Cha làm đổ nát, con lo gây dừng.

Nhờ con, cha khỏi lỗi lầm,

Biết lo, biết liệu, cuối cùng sẽ hay.

Tượng rằng:

Cha phá hỏng, con xây dựng lại,

Thế chính là con nối chí cha.

Hào Sơ đại khái nói rằng: nếu cha làm lỗi, làm hỏng, mà con gây dựng lại cơ đồ, thế là người cha chẳng có lỗi, vì đã có con nối được chí cha. 

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 幹 母 之 蠱,不 可 貞。 

象 曰: 幹 母 之 蠱,得 中 道 也。

Cửu nhị. Cán mẫu chi cổ. Bất khả trinh.

Tượng viết.

Cán mẫu chi cổ. Đắc trung đạo dã.

Dịch. Cửu nhị,

Mẹ làm nát, con gây dựng lại,

Đừng phũ phàng, vừa phải mới hay.

Hào Hai đề cập đến một quan điểm cho rằng sửa sai, nhưng cũng có khi phải mềm dẻo, khéo léo, tùy thời, tùy cơ, tùy nhân, tùy sự, mà xử trí mới hoàn toàn tốt đẹp. Ví dụ: mẹ đã làm hư cơ đồ, con cũng đừng cứng rắn quá, làm đau lòng mẹ. Chữ Bất khả trinh nơi đây, phải hiểu là đừng nên cố chấp quá, hoặc cứng rắn quá. 

3. Hào Cửu tam.

九 三. 幹 父 之 蠱,小 有 晦,無 大 咎。 

象 曰: 幹 父 之 蠱,終 無 咎 也。

 Cửu tam. Cán phụ chi cổ. Tiểu hữu hối. Vô đại cữu.

Tượng viết.

Cán phụ chi cổ. Chung vô cữu dã.

Dịch.

Hào Cửu tam, vì cha sửa tệ,

Tránh sao điều nhỏ bé lầm sai,

Ăn năn vặt vãnh thế thôi,

Nhưng mà lỗi lớn, có đời nào đâu.

Tượng rằng: Sửa tệ cho cha,

Cuối cùng chẳng đến nỗi ra lỗi lầm.

Hào Cửu tam đề cập đến một người con gây dựng lại cơ đồ, mà người cha đã làm hư hại, hay một người muốn gây dựng lại cơ đồ, mà người đi trước đã làm hư hại. Hào Cửu tam ở đây, vì quá Cương, nên đã tỏ ra quá cứng rắn, nên đã gây ra những bất hòa, những phiền toái nhỏ. Nhưng dầu đã có một vài sự đáng tiếc nhỏ xẩy ra, đương sự cũng không bị những điều chê trách lớn. Vì thế nói: Tiểu hữu hối. Vô đại cữu. 

4.  Hào Lục tứ.

六 四. 裕 父 之 蠱,往 見 吝。 

象 曰: 裕 父 之 蠱,往 未 得 也

Lục tứ. Dụ phụ chi cổ. Vãng kiến lận.

Tượng viết:

Dụ phụ chi cổ. Vãng vị đắc dã.

Dịch.

Sửa tệ cha, nếu mà do dự,

Thời làm gì, cũng cứ bị chê.

Tượng rằng:

Sửa tệ cha, nếu mà do dự,

Dẫu làm gì, cũng cứ dở dang.

Hào Lục tứ ám chỉ một người Nhu nhược, do dự không dám sửa những lỗi lầm của người xưa để lại; nếu cứ chần chừ, để mặc cho dòng đời trôi chẩy như vậy, sẽ chuốc lấy sự xấu (Dụ= chần chờ, do dự).

5. Hào Lục ngũ.

六 五. 幹 父 之 蠱,用 譽。 

象 曰: 幹 父 之 蠱 ﹔承 以 德 也。

Lục ngũ. Cán phụ chi cổ. Dụng dự.

Tượng viết.

Cán phụ dụng dự. Thừa dĩ đức dã.

Dịch.

Lục ngũ: Nếu vì cha sửa tệ,

Biết dùng người, âu sẽ nổi danh.

Tượng rằng: Sửa tệ cho cha,

Dùng người khéo léo, gần xa khen mình,

Dùng người phụ bật cho minh,

Ta hay, người sẽ tâm thành giúp ta.

Hào Lục ngũ tuy là Âm Nhu chi tài, một mình không đủ sức sửa sai, sửa tệ của người xưa lưu lại, nhưng vì biết dùng hiền tài phụ bật (Hào Cửu nhị ), nên cũng chấn chỉnh được cơ đồ, như vậy cũng đáng khen, đáng trọng

6. Hào Thượng Cửu.

上 九. 不 事 王 侯,高 尚 其 事。 

象 曰: 不 事 王 侯,志 可 則 也。

 Thượng Cửu. Bất sự vương hầu. Cao thượng kỳ sự.

Tượng viết.

Bất sự vương hầu. Chí khả tắc dã.

Dịch.

Hết còn thù phụng quân vương,

Việc làm cao thượng, dễ thường mấy ai.

Tượng rằng: Chẳng giúp quân vương,

Chí cao cả ấy, treo gương cho đời.

Ở trên đời, có những người không dấn thân vào vòng Cương toả, lợi danh, sống cao khiết bên lề trần tục, một lòng tu đạo lập thân, mong đạt tới tinh hoa nhân loại. Những bậc ẩn giả này, tuy không vương tục lụy, trần cấu đương thời, nhưng thật đã làm gương cho vạn thế.

ÁP DỤNG QUẺ CỔ VÀO THỜI ĐẠI

 Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, đó là điều mà quẻ Cổ này muốn nói. Chúng ta, những người Việt ly hương, tuy nay đời sống đã ổn định vững vàng, nhưng hỏi có mấy ai là có thể quên Quê hương, Tổ quốc ? Tôi nghĩ chẳng có ai có thể quên được, dù là những người, vừa mới lọt lòng mẹ đã ở nơi đất khách quê người này rồi, tuy lúc còn nhỏ, họ chưa có ý niệm gì về quốc gia dân tộc, nhưng khi đã trưởng thành, thì tự nhiên trong đầu óc họ sẽ có ý niệm về gốc gác của mình, và lòng yêu quê hương sẽ nẩy nở trong lòng họ, vì quê hương là đất mẹ, là cha mẹ họ. Nếu có kẻ nào quên được quê hương, thì kẻ đó thuộc về loại vong bản, ta không cần nói đến họ làm chi.

Bà mẹ đang sống cảnh khó khăn, lo lắng, bệnh hoạn, thì đứa con yêu mẹ, tuy sống xa mẹ nó, nhưng nó có yên tâm được không? Chắc chắn là không rồi.

Vậy chúng ta, những người dân của một nước, mà nước đó hiện nay đang vùng vẫy để ra khỏi những gì gọi là hủ hóa, tệ đoan của xã hội, để vươn lên cho kịp đà tiến hoá của nhân loaị. Chúng ta hãy gạt bỏ những gì gọi là thành kiến, là thù oán cá nhân, hãy thành khẩn bắt tay với chính quyền trong nước, hãy mang những ý kiến xây dựng của mình, những tài năng của mình- nếu có- để chung lo vá lại mảnh dư đồ đã rách.

Đọc tới đây, chắc nhiều vị đã nghĩ rằng tôi đã nói chuyện viển vông, nói chung lo, nhưng chung lo bằng cách nào? Chưa ngồi gần đã vạch lỗi nhau, để bôi nhọ nhau, để chửi bới nhau, như vậy hỏi sao mà hợp tác được với nhau?

Nhưng theo tôi, mọi sự trên đời không có gì là khó đến nỗi không giải quyết nổi, những khó khăn như những nút thắt, nếu ta từ từ gỡ, thì chặt cách mấy cũng gỡ được.

Chúng ta đừng quá bi quan, cũng đừng quá tự phụ, hãy xét mình trước, rồi hãy bắt lỗi người sau. Nếu chúng ta có lòng thành khẩn muốn góp ý kiến, góp tài năng, góp tâm tư một cách vô vị lợi, một cách xây dựng, chúng ta cứ thành khẩn trình bầy ý kiến của chúng ta, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng đó là những ý kiến đứng đắn, vô tư, những ý kiến xây dựng, nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc, mà người góp ý kiến này, chỉ vì lòng yêu nước chứ không cầu mong công danh, lợi lộc gì hết. Nhưng muốn đi tới giai đoạn trên, trước hết chúng ta phải có khối óc vô tư, không tư vị bên nào, để lối nhìn của mình không bị lệch lạc,  tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công. Và đây là bài thơ, lấy ý của Hào Thượng Cửu quẻ Cổ này, nói lên kết quả đời sống của người có lòng yêu quê hương một cách thành khẩn, vô vị lợi trên.

Chẳng cần thù phụng đấng quân vương,

Vượt trổi chúng nhân, sống phi thường,

Đời sống thanh cao, tâm linh sảng,

Lưu lại muôn đời, một tấm gương.

Còn chính quyền nơi đất mẹ, muốn chấn chỉnh lại cơ đồ, trước hết phải cổ súy nhân tâm, chấn hưng đạo đức, thu nạp nhân tài, nghiên cứu và ứng dụng những ý kiến hay, hai bên kết hợp thật lòng với nhau, làm sao không đi tới đích được. Ta mượn bài thơ sau để vẽ lên sự thành công đó:

Ra tay gây dựng lại cơ đồ.

Khéo dụng nhân tài mới khỏi hư.

Nếu biết dụng người, sang sửa tệ,

Rồi ra tăm tiếng sẽ lan xa.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

18.Sơn Phong Cổ

Ðại cương:

Tên quẻ: Cổ là sự, hoại (lắm việc, hư hoại).

Thuộc tháng 1.

Lời tượng

Sơn hạ hữu phong: Cổ. Quân tử dĩ chấn dân dục đức.

Lược nghĩa

Dưới núi có gió là quẻ Cổ (việc). Người quân tử lấy đấy mà làm phấn khởi lòng dân, và nuôi đức tính.

Hà Lạc giải đoán

Phàm được quẻ này phần nhiều bắt đầu phải gian nan, hoặc mê muội, sau mới làm thành, được thừa hưởng tổ nghiệp.

Những tuổi Nạp Giáp:

Tân: Sửu, Hợi, Dậu

Bính:Tuất, Tý, Dần.

Lại sanh tháng 1 là cách công danh phú quý. Nhưng đối với cha mẹ, gia đình, không được thuận thảo.

THƠ RẰNG:

Việc dù có đẹp nữa chăng.

Cũng phòng ba lượt bị băng hoại liền

Vinh hoa đừng cậy uy quyền

Sợ rằng đeo nhục khổ phiền thân tâm.

Hào 1:

Cán phụ chi cổ, hữu tử, khảo vô cữu, lệ, chung, cát. Ý hào: Sửu trị tổ nghiệp.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Dũng tiến quyết tâm làm. Trải bao gian nan, lập được công trạng, đúng đạo nghĩa của tiền nhân, để lại quy mô cho con cháu.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Không được nhờ tổ nghiệp gặp khó không nản, vinh không kiêu.

XEM – TUẾ- VẬN: _Quan chức: việc nặng trừ gian diệt tệ. _Giới sĩ: thừa được chí của ông cha. Toại ý có khảo thí. _Người thường: kinh doanh đắc lợi, số xấu lo buồn. Già bị giảm thọ.

Hào 2:

Cán mẫu chi cổ, bất khả trinh. Ý hào: Cấp dưới ca tụng sự nghiệp của người trên để tỏ đạo thuận tòng.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Cương quyết, trung chính nhưng khó gặp tri kỷ, sửa chữa đổ nát, đời rất ngưỡng vọng. MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người trung trực.

XEM – TUẾ – VẠN: _Quan chức: thừa tài sửa đổi việc cũ. _Giới sĩ và người thường: được thừa nghiệp kinh doanh lớn của cha mẹ, nhưng phải sửa sang lại cả. _Nữ mệnh: Cần kiệm trì gia, làm giầu.

Hào 3:

Cán phụ tri cổ, tiểu hữu hối, vô đại cữu. Ý hào: Sửa trị một cách quá cứng rắn nên không tránh được có ăn năn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Là kẻ sĩ cương quyết, sửa trị không kiêng nể, có điều sai, nhưng rồi lại sửa.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Trước vất vả sau mới được đắc dụng.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: có chủ trương, nên cẩn trọng. _Giới sĩ: nóng nẩy sinh lầm lỗi. _Người thương: phàm nên cẩn thận, đừng tin lời gian nịnh, thì đỡ hối hận.

Hào 4:

Du phu chi cổ, vãng kiến lận. Ý hào: Cấp cao sửa tệ tục mà cứ dùng dằng mãi sau không sửa được.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tinh ủy mị, tuy có đại tài mà không thực hiện được việc nhỏ.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Hoài nghi lo lắng, không quả quyết, chỉ làm được việc nhỏ.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: hư vị, ngồi suông. _Giới sĩ: rượu chè, phế nghiệp. _Người thường: lười, chỉ phè phỡn. Tổn hại, đau chân.

Hào 5:

Cán phụ chi cổ, dụng dự. Ý hào: Dùng được người tài trị nước, có danh dự.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Lập thành đại nghiệp, cha mẹ thơm lây.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Củng khởi gia, được hàng xóm trọng vọng.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: vinh hiển. _Giới sĩ: hoặc đỗ đạt, được tiến cử, nên danh. _Người thường: lập lại qui mô gia tộc, nên danh, vui mừng.

Hào 6:

Bất sự vương hầu, cao thượng kì chi. Ý hào: Có đức mà không được dùng, giữ chí ở ẩn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Giữ trí cao thượng, coi thường danh lợi.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thanh cao khác người, ăn ở đạm bạc, không theo phàm tục.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: cáo hưu. _Giới sĩ: đợi thời. _Người thường: an Phận.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Tìm kiếm thêm bài có từ khóa: